Tên người Kinh Tên_người_Việt_Nam

Thông thường, họ tên người Kinh được nói và viết theo thứ tự "họ trước tên sau": Họ + tên đệm + tên chính.

Họ thường có 1 tiếng (thường mang họ của bố), đôi khi là 2 tiếng (do họ bố là họ kép hoặc do đặt họ mẹ kèm theo). Tên đệm thường là 1 tiếng, có người có nhiều tiếng (ví dụ như Nguyễn Phong Hồng Duy) hoặc không tiếng nào (ví dụ như Phạm Tuân). Tên chính có 1 tiếng.

Cá biệt có hàng ngàn người nam thuộc 9 dòng họ ở 3 thôn Cẩm Khê, Bối Khê, Cẩm Bối thuộc xã Liên Khê huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên đều bắt đầu bằng Họ đệm là Đỗ như Đỗ Tràng, Đỗ Văn, Đỗ Bá, Đỗ Quang, Đỗ Đình, Đỗ Trí, Đỗ Đắc, Đỗ Khoa, Đỗ Trọng. Chữ Đỗ ở đây không phải là họ mà chỉ là chữ đệm, còn họ chính là chữ thứ nhì như Tràng, Văn, Bá, Quang, Đình,... trong khi con gái thì lại đặt tên có họ chính đứng đầu như người bình thường như Tràng Thị Xuân, Văn Thị Thu,...[5]

Ngoài ra người Kinh còn nhiều loại tên khác, có loại đã vĩnh viễn đi vào lịch sử, có loại mới xuất hiện khi Việt Nam tiếp xúc với văn hóa tây phương, có loại dành riêng cho một giai cấp hoặc tầng lớp xã hội nhất định,...

Họ tên nguời Kinh có thể viết theo chữ Quốc ngữ hoặc viết theo chữ Hán với chữ Nôm nếu tên đó không phải là gốc phương Tây.

Họ người Việt

Thống kê tên họ người Việt Nam
Bài chi tiết: Họ người Việt

Họ người Việt được đặt ở đầu, trước tên đệm và tên chính.

Họ người Việt hay người Kinh chủ yếu là đơn âm, tuy nhiên những năm gần đây chứng kiến ngày càng phổ biến việc đặt họ kép bằng cách ghép họ cha và họ mẹ, chẳng hạn Lê Nguyễn Quỳnh Anh, "Trần Lê" Bảo Hà... Do ảnh hưởng thay đổi chính trị dẫn đến việc cải, đổi họ tên, họ người Việt hiện tập trung 90% dân số trong 14 họ chính[cần dẫn nguồn].

Tên đệm

Bài chi tiết: Tên đệm

Tên đệm (hay tên lót) phổ biến nhất của người Việt"Văn" (文), "Hữu" (有) dùng cho nam giới"Thị" (氏) dùng cho nữ giới, luôn nằm giữa họ và tên chính. Trong khi họ là để phân biệt huyết thống và tên chính dùng để phân biệt người này với người khác thì một số tên đệm thường dùng để phân biệt giới tính (nam, nữ). Ví dụ, những cái tên nổi tiếng như Thị Kính, Thị Mầu trong Quan Âm Thị Kính, Thị Nở trong Chí Phèo hay "Thị" trong tác phẩm Ngày xưa Hoàng Thị của nhạc sĩ Phạm Duy...

Tuy nhiên ngày nay, những tên lót phổ biến này lại không được người Việt ưa thích vì chúng được cho rằng không hay bằng những tên lót khác, đặc biệt là "Thị". Chữ 氏 (thị) mang nghĩa là "người/vật của dòng họ" (như "Đại Lý Đoàn thị", "Lý thị Triều TIên"). Chữ này cũng đồng âm với chữ 侍 (thị) có nghĩa là "hầu hạ" như trong "thị vệ" (侍衛), hay "thị nữ" (侍女) có nghĩa là "hầu gái", khiến người phụ nữ bị đánh giá thấp kém. Do đó một số lượng không nhỏ phụ nữ Việt Nam hiện nay có tên đệm là "Thị" hay bỏ chữ này khi viết hay xưng đầy đủ họ tên. Ví dụ như poster phim "Kiều" do Mai Thu Huyền sản xuất công bố nữ diễn viên Trình Thị Mỹ Duyên trong vai chính, tên của cô được viết là "Trình Mỹ Duyên" và bỏ chữ "Thị".[6]

Do việc tên chính được sử dụng nhiều thay cho họ, hiện nay rất nhiều người tưởng lầm rằng phần tên đệm là thuộc phần họ, nhưng theo đúng lý thì tên đệm là phần gắn với tên chính, vì tên đệm bổ sung ý nghĩa cho tên chính. Ví dụ như một người tên "Nguyễn Thành Công" tự ghi trong một đơn từ hay hồ sơ với phần họ (Surname hay Family name hoặc Last name) và tên (First Name hoặc Given Name) được tách riêng, người này ghi "Họ: Nguyễn Thành", "Tên: Công" là không chính xác, mà chính xác phải ghi là "Họ: Nguyễn", "Tên: Thành Công". Trường hợp ngoại lệ là người có họ kép vốn sẵn như "Âu Dương Lâm" (họ Âu Dương), "Tôn Thất Lâm" (họ Tôn Thất) hoặc người có họ kép do từ họ mẹ kèm sau họ bố như "Nguyễn Trần Lâm", "Phạm Lâm",... thì phải ghi chính xác là "Họ: Âu Dương | Tôn Thất | Nguyễn Trần | Phạm Vũ" và "Tên: Lâm".

Hình thức và mối liên kết

Xét về hình thức, tên đệm có thể là một từ: Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương.

Xét về mặt liên kết với các thành phần khác trong tên, tên đệm có thể là thành phần độc lập, cũng có thể liên kết với tên họ hoặc với tên chính. Cũng có người chỉ có họtên mà không có tên đệm. Ví dụ như: Lê Lợi, Trần Lực...

  • Tên đệm đứng độc lập: là loại tên đệm không phối hợp được với tên họ hay tên chính để làm thành từ kép. Ví dụ với Nguyễn Đình Chiểu và Lê Văn Sơn thì từ "Đình" hay "Văn" không thể phối hợp với tên họ hoặc tên chính để làm thành từ kép có một ý nghĩa khác.
  • Tên đệm phối hợp với tên chính: Hầu hết tên chính người Việt Nam là am Hán-Việt[cần dẫn nguồn]. Trong văn chương, các từ này được coi là hay hơn các từ Nôm nên khi đặt tên người ta cố gắng lựa tên đệm nào có thể đi chung với tên chính để có ý nghĩa rộng hơn, tốt đẹp hơn như Nguyễn Văn Quang Minh, Trần Hùng Dũng, Lê Phú Quý, Nguyễn Trọng Thành Công,...
  • Tên đệm phối hợp với tên họ: Rất ít tên người Việt có tên đệm phối hợp được với tên họ để làm thành từ kép có ý nghĩa, ngoại trừ: Hoàng Kim Vui, Võ Văn Trung,...
  • Tên đệm có thể có một hoặc hai chữ. Nếu là hai chữ, thì một chữ độc lập, một phối hợp với tên chính. Ví dụ, Đỗ Văn Quang Minh: tên đệm "Văn" đứng độc lập, tên đệm "Quang" đi với tên chính là "Minh" để thành "Quang Minh" (nghĩa là sáng sủa) hay Nguyễn Hoàng "Anh Dũng" (mạnh mẽ, có chí khí), Trần Thị "Tố Nga" (người con gái đẹp)...

Chức năng tên đệm

Tên đệm có thể có nhưng cũng có thể không có nên chức năng của nó đôi khi cũng không rõ ràng. Một số tên đệm có chức năng tương đối rõ:

  • Phân biệt giới tính: nữ giới thường có tên đệm là "Thị", "Diệu"; nam giới là "Văn", "Bá", "Mạnh"...
  • Phân biệt chi, ngành trong một dòng họ lớn: Ngô Thì, Ngô Vai; Nguyễn Đức, Nguyễn Mậu,...
  • Phân biệt thứ bậc trong gia đình: một số người dùng từ đệm Bá để chỉ con cả dòng họ trưởng, Mạnh để chỉ con cả dòng họ thứ, Gia chỉ con trưởng, Trọng chỉ con thứ hai[cần dẫn nguồn],...
  • Thẩm mỹ: một số tên đệm chỉ có chức năng thẩm mỹ và nam nữ đều có thể dùng.

Tên đệm thường dùng

  • Dùng từ Hán-Việt có ý nghĩa tốt như các từ chỉ vật quý, mùa đẹp, màu đẹp, từ chỉ phẩm hạnh, tài năng: Xuân, Thu, Cẩm, Châu, Hồng, Hoàng, Đức, Hạnh, Đình, Đại,...
  • Lấy họ mẹ làm tên đệm hoặc lấy họ cha làm tên đệm mà không phải theo chế độ mẫu hệ.[7]
  • Lấy tên đệm của cha làm tên đệm hoặc một phần tên đệm cho con trai và có thể con gái. Lấy tên đệm của mẹ làm tên đệm hoặc một phần tên đệm cho con gái hoặc trai.
  • Lấy tên chính của cha làm tên đệm cho con trai, lấy tên chính của mẹ làm tên đệm cho con gái.
  • Lấy tên đệm và tên chính của cha làm tên đệm cho con trai và gái: Trần Thành Đăng (cha), Trần Thành Đăng Chân Tín (con trai), Trần Thành Đăng Chân Mỹ (con gái), Nguyễn Cao Kỳ (cha), Nguyễn Cao Kỳ Duyên (con gái)...

Tên chính

Bài chi tiết: Tên chính

Tên chính là tên gọi của từng cá nhân, để phân biệt với những cá nhân khác. Trong tên của người Việt, tên chính luôn ở vị trí cuối cùng. Trong một vài trường hợp, theo thói quen người ta gọi đệm thay cho tên chính, phổ biến nhất với người có tên chính là "Anh" và "Em", hay ví dụ trong một nhà có người chị tên Thanh Nguyệt, người em tên Hồng Nguyệt, cùng chung tên chính là Nguyệt nên người chị hay được gọi là Thanh, người em hay được gọi là Hồng. Hoặc có một số tên ít được thấy như Úy, Băng, Hàn, Nữ,...

Về tên chính của vua quan, xem thêm Tên húy và miếu húy

Đặc điểm

Xem thêm: Tên trung tính

Tên chính của người Việt thường có những đặc điểm sau:

  • Có lựa chọn và có lý do: Người Việt Nam quan niệm tên chính là một bộ phận gắn chặt với người mang tên đó. Tục ngữ có câu: "Xem mặt đặt tên", bởi vậy khi đặt tên người ta thường chọn lựa kỹ và căn cứ đặc điểm, giới tính, hoàn cảnh gia đình, dòng họ, quê hương xã hội, ước vọng cha mẹ,... mà chọn, chứ không đặt tùy tiện.
  • Số lượng phong phú: So với họtên đệm, tên chính phong phú hơn về số lượng. Do có tính lựa chọn, những cái tên mang nghĩa tích cực thường được chọn nhiều hơn những cái tên mang nghĩa tiêu cực đối với cả hai giới tính. Ví dụ, những cái tên như: Mạnh, Dũng, Tuấn, Phương, Dung, Hạnh... thì luôn phổ biến hơn những tên là Lừa, Bịp, Dốt, Sầu, Đau... (những cái tên này cực kỳ ít phổ biến và không còn nhiều trong xã hội hiện đại). Ngoài ra, có những cái tên vô nghĩa cũng được dùng, chẳng hạn như: Ngùy, Duẩn... Một cách đặt tên khác không phổ biến trong tiếng Việt lắm nhưng vẫn có, đó là đặt tên theo tiếng nước ngoài, theo kỷ niệm, theo sự kiện. Dù Bộ Tư pháp chưa có văn bản nào chính thức quy định việc cấm đặt tên theo các chính khách, người nổi tiếng, lỗi lạc..., nhưng điều này gần như trở thành luật "bất thành văn" trong việc đặt tên. Ví dụ, nếu đặt tên là Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp... thì chắc chắn sẽ khó được chấp nhận.
  • Xu hướng đa tiết hóa tên chính: Trước đây họ và tên thường 3 tiếng, ngày nay xu hướng phát triển thành 4 ngày càng nhiều và nhất là ở giới nữ.
  • Hán-Việt giữ vai trò chủ đạo: thường được cấu tạo bằng hai từ: một để làm tên đệm, một để làm tên chính. Hai từ đó hợp lại có ý nghĩa rộng hơn, hoa mỹ hơn. Ví dụ Vĩnh Phú (giàu có muôn đời), Bạch Tuyết (trong trắng như tuyết), Hoài An (mong được an bình),... Tên chính từ gốc Nôm thường được các gia đình ở một số vùng nông thôn (thường là ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ), ít học, đặt cho con cái, tên từ gốc Nôm có vẻ mộc mạc như: Bông, Rồi, Vui, Cười, Lây, Há, Đực, Tí, Cò v.v... đã làm nhiều người băn khoăn, khó chịu về cái tên của mình, nhất là khi lên thành thị sinh sống. Khi người Pháp, người Mỹ,... đến Việt Nam, một số gia đình có liên hệ đã đặt tên con bằng những tên như: Trần Văn Pierre, Lê Văn Paul, Trần Thị Paulette, Nguyễn Thị Suzanne,... Có những tên không rõ nghĩa cũng như nguồn gốc như Nguyễn Quang Riệu hay Trần Đình Hượu,...
  • Khó phân biệt nam nữ với tên chính: Về nguyên tắc, tên chính của nam nữ không có gì để phân biệt. Tuy nhiên căn cứ vào ý nghĩa của tên chính ấy, phối hợp tên chính với tên đệm và dựa vào thói quen có thể đoán tương đối chính xác một tên là nam hay nữ.
    • Tên nữ thường là tên loài hoa: Mai, Lan, Cúc, Hoa, Hương,...; tên loài chim đẹp có tiếng hót hay: Yến, Oanh...; tên đá quý: Bích, Ngọc, Trân...; tên loại vải quý: Nhung, Gấm, Là, Lụa,...; từ ngữ chỉ đức tính: Hạnh, Thảo, Hiền, Dung,...; hay từ ngữ có âm thanh nhẹ nhàng, có ý nghĩa hoa mỹ: Vân, Thúy, Diễm, Lệ, Nguyệt, Nga, Trang, Huyền, Ngân...
    • Tên nam thường được chọn trong các tiếng biểu lộ được sự mạnh mẽ về thể xác lẫn tinh thần. Tên nam thường là tiếng chỉ sức mạnh: Cương, Cường, Hùng, Tráng, Dũng,...; tiếng chỉ trí tuệ: Thông, Minh, Trí, Tuệ, Quang, Sáng,...; tiếng chỉ đức hạnh: Nhân, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Công, Hiệp, Phúc... hay tiếng chỉ tiền tài danh vọng: Phú, Quý, Kim, Tài, Danh, Đạt... hay chỉ địa vật như Sơn, Giang, Lâm, Hải, Dương,...; hoặc một số từ có âm hưởng mạnh mẽ như Long, Quốc,...
    • Ngoài ra còn có tên trung tính (cả nam và nữ đều dùng được) được người Việt Nam sử dụng khá phổ biến như Anh, An, Bình, Hà, Khánh, Linh, Lương, Nguyên, Tâm, Thanh, Tú. Trong các trường hợp này có thể phân biệt giới tính của tên thông qua tên đệm, ví dụ như Quốc Khánh là tên nam (nghệ sĩ hài Quốc Khánh) còn Ngân Khánh là tên nữ (diễn viên Ngân Khánh).
  • Tên chính không được trùng tên với các bậc trưởng thượng: theo phong tục cổ truyền trước đây, tên chính của người Kinh không được trùng với tên thần thánh, vua chúa, những người thuộc thế hệ trước của gia đình, gia tộc.[8]

Tục lệ đặt tên

Ở Việt Nam, thời hạn đặt tên cho con - tính từ ngày sinh - thay đổi theo từng vùng. Người Kinh, theo phong tục xưa thì không đặt tên ngay khi đứa trẻ mới chào đời mà chỉ gọi nôm na như thằng cu, cái nhỏ, thằng Tèo, cái Tộp... (những tên này hiện nay ít được sử dụng. Nếu có thì sẽ xảy ra khi một người lớn tuổi gọi một đứa trẻ hoặc trẻ vị thành niên khi không biết tên của người đó), hoặc một cái tên gì đó xấu xí trong vòng 100 ngày để ma quỷ khỏi bắt nó đi.[9][10]Huế nói riêng, đúng 100 ngày sau mới làm lễ tạ ơn "mười hai bà mụ" bấy giờ mới đặt tên húy.[11][12] Tên húy là tên chính thức của mỗi người, thường do cha mẹ đặt. Tên chính còn được gọi là tên húy, tên thật, hay tên khai sinh.

Một số địa phương khác, trong dịp tế tổ, các gia đình có con cháu mới sinh sắm sửa cơi trầu, chai rượu, hương hoa, lễ vật đến nhà thờ họ yết cáo tiên tổ và vào sổ họ cho các con trai trước lễ yết cáo, ngày đó mới có tên húy chính thức, được họ hàng công nhận. Trong khi vào sổ họ phải đối chiếu gia phả để xem có trùng tên các vị tiên tổ hoặc ông bà chú bác trong nội thân hay không. Nếu có tức là phạm húy thì phải đổi tên. Ở nông thôn, các vị có uy vọng trong làng, trong họ thường được dân chúng biếu trầu rượu và nhờ đặt tên cho con. Người đặt tên được gia đình đó nhớ ơn suốt đời.[13] Ngày nay, theo nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ Việt Nam về đăng ký và quản lý hộ tịch, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con; cha, mẹ có trách nhiệm đi khai sinh cho con; nếu cha mẹ không thể đi khai sinh thì ông bà hoặc những người thân thích khác đi khai sinh cho trẻ.[14]

Chọn tên chính

  • Chọn tên có liên hệ với họ tên cha, mẹ hoặc anh, chị: Nghị hay Đồng (tên cha là Hội); Điểm hay Đài (khi tên chị là Trang),...
  • Chọn tên liên hệ đến ngành nghề, sản phẩm[cần dẫn nguồn]: Sĩ, Nông, Công, Thương; Cột, Kèo, Rui, Mèn,...
  • Lấy số thứ tự: Một, Hai, Ba,... hay Nhất, Nhị, Tam,...
  • Lấy tên động vật thực vật: Loan, Phụng, Sơn Ca,...; Hồng, Lan, Huệ,...
  • Tên mang ý nghĩa tốt đẹp: Phúc, Lộc, Thọ, Đoan, Trang, Tuyết, Trinh, Hiền, Thương, Hùng, Dũng, Bảo, Trân, Trọng, Châu,...
  • Tên biểu lộ cha con cùng huyết thống ví dụ tên các chúa Trịnh: Kiểm, Tùng, Tráng, Tạc, Căn, Cương, Giang, Doanh, Sâm, Cán, Khải đều thuộc bộ Mộc còn tên các chúa Nguyễn: Kim, Hoàng, Nguyên, Lan, Tần, Trăn, Chu, Trú đều thuộc bộ Thủy,...
  • Theo địa danh nơi sinh: Ví dụ, sinh con ở miền Nam đã đặt tên con là Nam, sinh ở Quảng Trị đặt tên là Quảng, sinh ở Nha Trang đặt tên con là Trang, sinh ở Vĩnh Long đặt tên là Vĩnh hay Long,...
  • Theo thời gian sinh như Xuân, Hạ, Thu, Đông; hoặc Tý, Sửu, Dần,... hoặc; Giáp, Ất, Bính,...
  • Chọn tên để ghi dấu biến cố xảy ra trong gia đình: lấy số tiền mà xã phạt khi làm giấy khai sinh để đặt tên cho con như: "Mai Phạt Sáu Nghìn Rưởi" hoặc "Mai Phạt Ba Ngàn Rưởi"[15]
  • Chọn tên con theo nỗi niềm riêng, bức xúc trong cuộc sống như: Dương Thị Ly Tan, Lê Thị Vô Lý, Võ Thị Xin Thôi, Hoàng Thị Hoãn, Nguyễn Thị Nghĩa Trang, Trần Uất Hận, Trần Trường Hận, Vũ Văn Hận Đời,...[16]
  • Lấy tên người yêu hoặc kẻ thù để đặt tên

Lấy tiếng nước ngoài như: Phạm Bá Rose, Vũ Thị Noel, Đặng Thị Milla,...

  • Nhận tên theo một bài thơ để phân biệt thế hệ: như vua Minh Mạng đã làm một bài thơ và quy định cho con cháu phải đặt tên theo bài thơ đó:
Miên, Hồng, Ưng, Bửu, VĩnhBảo, Quý, Định, Long, TrườngHiền, Năng, Kham, Kế, ThuậtThế, Thụy, Quốc, Gia, Xương.

Theo bài thơ trên, tên các hoàng tử thuộc dòng đế, mỗi thế hệ sẽ dùng một bộ chữ.

Lúc mới sinh, các trẻ sơ sinh thường được gọi bằng tên quai nôi hay tên cúng cơm như: Tèo, Tộp, Út, Thôi, Nữa, Gắng, Ráng... và cũng có thể là Tom, Henry, Ghita, Mary,... Chỉ tên chính được ghi trong giấy khai sinh khi đăng ký và trong mọi hồ sơ về sau này.

Quy định của pháp luật pháp Việt Nam

Bộ luật Dân sự Việt Nam ban hành ngày 27/6/2005, phần thứ nhất (Những quy định chung), chương III (Cá nhân), mục 2 (Quyền nhân thân), điều 26 (Quyền đối với ho, tên) quy định:[17]

  1. Cá nhân có quyền có họ, tên. Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó.
  2. Cá nhân xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự theo họ, tên của mình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.
  3. Việc sử dụng bí danh, bút danh không được gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Cải chính họ, tên

Điều 27 trong bộ luật Dân sự 2005 liệt kê 7 trường hợp cho phép cá nhân có quyền thay đổi họ, tên.[17]

Thay đổi tên chính

Trong lịch sử Việt Nam, tên chính của người Việt có thể thay đổi do một trong các nguyên nhân sau:

  • Phạm húy vua: Phan Văn San do trùng tên húy vua Duy Tân (Nguyễn Phúc Vĩnh San) nên phải đổi thành Phan Bội Châu.
  • Được vua đổi tên: vua có lệ ban tên chính (tứ danh) cho các quan được vua chiếu cố. Nguyễn Hễ (tiến sĩ cập đệ nhất danh khoa Giáp Tuất 1514) được vua Lê Tương Dực đổi tên là Nguyễn Đức Lượng; Nguyễn Văn Chương được vua Tự Đức đổi là Nguyễn Tri Phương.
  • Một số người do thi hỏng nên đổi tên. Nguyễn Thắng thi hội hai lần không đỗ nên đổi thành Nguyễn Khuyến, Trần Duy Uyên thi hương hỏng nên đổi là Trần Tế Xương, rồi Trần Cao Xương và, cuối cùng, quay lại Trần Tế Xương.
  • Tên xấu đổi thành tên đẹp.
  • Trốn tránh không để chính quyền biết được nhân thân như:
    • Trốn lính: Một số người ở miền Nam Việt Nam trước 1975 đổi tên, đổi ngày tháng năm sinh để trốn lính.
    • Đổi tên để hoạt động cách mạng.
    • Trốn lệnh truy nã, trốn nợ, trốn vợ chồng, muốn rũ bỏ một quãng đời trước đó (thường kèm theo di chuyển nơi ở).

Thủ tục thay đổi tên

Do nhiều lý do mà người ta xin thay đổi tên như điều chỉnh nhân thân cha mẹ ruột, đổi lại khai sinh của anh em ruột trong trường hợp trót dùng để khai sụt tuổi trong thi đấu thể thao thành tích cao, hoặc thích đổi tên đẹp hơn tên cũ.

Thời phong kiến

Việc đăng ký tên được thực hiện tại mỗi làng xã qua lệ mỗi năm khai số hộ, đàn ông 18 tuổi gọi là hoàng nam, từ 20 tuổi trở lên gọi là đại nam để phục vụ việc thu thuế thân. Nếu là phụ nữ, phải cải trang thành nam thì mới có tên để đăng ký dự thi, trường hợp tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ[18] là một ví dụ. Cha bà vì tiếc tài con gái, cho cải trang thành nam [19] để đi học và đổi thành tên Nguyễn Du.[20]

Từ khoa thi năm 1829 học trò ứng thi phải khai đủ tên họ, lý lịch ông cha ba đời trên mặt quyển, lời khai phải được lý trưởng chứng nhận. Những người có ông cha ba đời làm nghề xướng ca, hay can án trộm cắp, hoặc làm giặc đều không được đi thi, cho nên nhiều người muốn đi thi đành phải thay tên đổi họ. Thời nhà Lê có khi lý trưởng còn phải ra tận trường thi để nhận diện thí sinh, tránh những vụ nhờ người đi thi hộ. Nhiều người ở xa đến kỳ thi không kịp về nguyên quán để thi cũng phải khai gian nên năm 1832 lại có đạo dụ cấm không được đổi tên họ quê quán để đi thi.

Lệ năm 1831 định rằng họ tên, quê quán phải được duyệt xét cho tường tận, đích xác rồi quan Trấn mới đóng ấn triện vào, sau đó Học quan mới chuyển quyển thi vào trường.[19]

Đó là những thông tin về việc thay đổi tên thời phong kiến được sử sách chép lại, và chưa thấy tài liệu nào đề cập đến thủ tục thay tên.

Thời hiện nay

Những cái tên gây nhầm lẫn, phiền toái, phản cảm, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống tinh thần,... làm cho người mang tên khó hòa nhập với cuộc sống, có thể xin đổi lại (theo điều 27 của bộ Luật Dân sự năm 2005[17]) dù việc này có thể gặp rắc rối khi thay đổi cho đồng bộ các giấy tờ liên quan như sổ hộ khẩu, học bạ, chứng minh nhân dân, giấy tờ nhà đất, xe cộ,...

Thẩm quyền đăng ký việc thay đổi họ, tên, chữ đệm; cải chính họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh; xác định lại dân tộc đó được đăng ký trong bản chính giấy khai sinh là ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc nơi đã đăng ký khai sinh của người có đơn yêu cầu.

Người xin thay đổi, cải chính hộ tịch phải nộp đơn (theo mẫu quy định) và xuất trình các giấy tờ sau đây: bản chính giấy khai sinh, sổ hộ khẩu gia đình (hoặc giấy đăng ký tạm trú có thời hạn hoặc giấy xác nhận cư trú của cơ quan công an) của người có đơn yêu cầu, chứng minh nhân dân.

Thời hạn giải quyết là 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Danh hiệu vua chúa

Đế hiệu

Bài chi tiết: Đế hiệu

Đế hiệu là tên triều đại của một vị vua được công bố trong ngày lễ đăng quang để minh chứng với thần dân trong nước vua là chủ tể, có mọi quyền hành trên thần dân và đất nước. Trong suốt thời gian trị vị vua chỉ có một đế hiệu. Tùy mỗi giai đoạn lịch sử Việt Nam, đế hiệu có thể do vua (tự) xưng (thời kỳ tự chủ) hoặc đế hiệu do vua Trung Quốc phong cho.

Năm 207 TCN, Triệu Đà đánh bại An Dương Vương, lập ra nước Nam Việt, xưng làm vua, đặt đế hiệu là Triệu Vũ Đế. Nhà hậu Lê: Từ Lê Nhân Tông tới Lê Tương Dực, vua Trung Quốc đều phong cho làm An Nam Quốc Vương. Nhà Tây Sơn: Quang Trung được phong là An Nam Quốc Vương. Nhà Nguyễn: vua Gia Long được phong là Việt Nam Quốc Vương.

Niên hiệu

Bài chi tiết: Niên hiệu

Khi vua lên ngôi, thường chọn một tên đẹp đặt niên hiệu để tính năm trị vì của mình. Một vua có thể có một hoặc nhiều niên hiệu. Lý Nhân Tông là vua có đến 8 niên hiệu: Thái Ninh, Anh Võ Chiêu Thắng, Quảng Hữu, Hội Phong, Long Phù, Hội Tường Đại Khánh, Thiên Phù Duệ Võ và Thiên Phù Khánh Thọ; trong khi đó, các vua triều Nguyễn chỉ lấy một niên hiệu như Minh Mạng, Tự Đức,...

Miếu hiệu

Bài chi tiết: Miếu hiệu

Miếu hiệu là tên vua đã chết được vua nối ngôi, hoặc đình thần đặt để viết trên bài vị hay trên các bài văn tế đọc trong các dịp giỗ chạp, truy tôn là Tổ, hoặc Tông. Miếu hiệu có từ nhà Thương (Trung Quốc), tại Việt Nam từ thời Lý mới lập miếu hiệu. Lý Công Uẩn có miếu hiệu là Lý Thái Tổ, Lý Phật Mã miếu hiệu là Lý Thái Tông,... Quang Trung có miếu hiệu là Thái Tổ Võ hoàng đế. Thời Nguyễn, ba vua đầu có miếu hiệu là Thế Tổ (Gia Long), Thánh Tổ (Minh Mạng), Hiến Tổ (Thiệu Trị),...

Tôn hiệu

Bài chi tiết: Tôn hiệu

Tôn hiệu là tên vua được triều đình đặt trong những ngày đặc biệt như ngày lên ngôi hoàng đế, ngày thượng thọ ngũ tuần, lục tuần, ngày thắng trận trở về. Trong các dịp này, đình thần tổ chức buổi lễ mừng, đồng thời dâng lên vua một tôn hiệu để ca ngợi vua. Vua Lý Thái Tổ được cho là vị vua có tôn hiệu dài nhất Việt Nam: "Phụng Thiên Chí Lý Ứng Vận Tự Tại Thánh Minh Long Hiện Duệ Văn Anh Vũ Sùng Nhân Quảng Hiếu Thiên Hạ Thái Bình Khâm Minh Quảng Trạch Chương Minh Vạn Bang Hiển Ứng Phù Cảm Uy Chấn Phiên Man Duệ Mưu Thần Trợ Thánh Trị Tắc Thiên Đạo Chính Hoàng Đế".

Thánh thuỵ

Bài chi tiết: Thánh thuỵTên thụy

Thánh thuỵtên thuỵ được các vua đời sau ghép thêm vào miếu hiệu nhằm tôn vinh các tiên vương: Thái Tổ Võ Hoàng Đế (Nguyễn Huệ); Thế Tổ Cao Hoàng Đế (Gia Long); Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế (Minh Mạng),...

Tên húy và miếu húy

Bài chi tiết: Tên húyMiếu húy

Tên húy là tên do cha mẹ vua đặt từ nhỏ, sau khi trưởng thành thường được gọi thay bằng tên khác và "kiêng" không nhắc đến và không ai được nhắc đến, khi sử dụng (nói-viết) phải làm sao chệch đi. Người có tên trùng tên húy phải đổi. Luật Gia Long định rằng: "Kẻ nào, trong một bản viết hay trình cho vua, nếu dùng một tiếng trùng tên vua hay tên một hoàng khảo sẽ bị phạt 80 trượng. Nếu mắc lỗi ấy trong những giấy tờ khác sẽ phạt 40 trượng".[21]

Vì kiêng húy, nên trong tiếng Việt, một số từ bị nói và viết chệch đi như: cây cảnh thành cây kiểng (húy hoàng tử Cảnh), hằng ngày thành thường ngày (húy bà Từ Dụ Phạm Thị Hằng), hoa thành huê, tùng thành tòng; một số chữ trong tên người cũng bị đổi chệch đi như Chu thành Châu (húy chúa Nguyễn Phúc Chu), Hoàng thành Huỳnh (húy chúa Nguyễn Hoàng), Phúc thành Phước (kị chữ Phúc trong tên nhiều chúa Nguyễn),...

Miếu húy là tên húy của vua vừa băng hà.

Danh hiệu quan lại

Xem thêm bài Quan chế nhà Nguyễn và bài Danh sách tên chức quan lại Việt Nam thời phong kiến

Tên tước

Bài chi tiết: Tên tước

Tên tước là tên của vua ban cho những người trong hoàng tộc, quan lại, hay người có công. Quyền phong tước là đặc quyền của vua và những người được phong tước coi đó là một ân điển, tước là tôn hiệu danh dự, không hàm ý trách nhiệm và quyền hành.

Tước hiệu có nguồn gốc từ Trung Hoa vào đời nhà Thương lúc đầu là tôn xưng, sau đó phát triển thành "tước". Ban đầu, chỉ phong cho hoàng tộc, sau đó mở rộng ra cho cả đại thần.

Thời Lý ban tước lấy tước Vương, Công làm đầu. Vua Lê Thánh Tông định quan chế các tước có: Vương, Công, Hầu, Bá, Tử, Nam. Quy chế văn võ rõ ràng, từ sau đó các đời noi theo. ví dụ Chiêm thành cửa ải đại vương Nguyễn Danh Minh.

Xem thêm: Phong tước

Thụy hiệu

Bài chi tiết: Thụy hiệu

Vua có quy chế về việc phong thụy hiệu cho các giai phẩm khác nhau. Mỗi phẩm khi chết sẽ được ban thụy hiệu. Từ Chánh lục phẩm trở xuống có chữ "Sắc thụ", từ Tòng ngũ phẩm trở lên có chữ "Cáo thụ". Cáo thụ được sắc phong kèm theo bài chế cáo, có trục cuộn tờ sắc. Sắc thụ như cáo thụ nhưng không có bài chế cáo.

Danh hiệu nho sĩ

Tên tự

Bài chi tiết: Tên chữ (người)

Tên tự, hay tên chữ, vì người đặt thường lấy chữ của một câu trong sách cổ có ý nghĩa liên quan đến tên húy hay chứa đựng tên húy, nguyên chỉ dành cho con trai đến tuổi đội mũ (20 tuổi) và tên này chỉ những nhà có học sách Thánh Hiền hay nhà khá giả đặt.

Ví dụ Nguyễn Sinh Cung có tên tự là Tất Thành, Nguyễn Bỉnh Khiêm có tên tự là Hanh Phủ do câu trong Kinh Dịch, quẻ Khiêm: Khiêm Hanh, quân tử hữu chung,...; Nguyễn Công Trứ tự Tồn Chất nghĩa là "giữ gìn (tồn) cái vốn có ở bên trong (chất) để mình luôn sáng tỏ (trứ)".

Theo Hán Việt từ điển của Thiều Chửu,

Tên tự. Kinh Lễ định con trai hai mươi tuổi làm lễ đội mũ rồi mới đặt tên. Như: con đức Khổng Tử tên là Lý (鯉), tên tự là Bá Ngư (伯魚).Con gái nhận lời gả chồng mới cài trâm và đặt tên tự, cho nên nhận lời gả chồng cũng gọi là tự nhân (字人).

Tên hiệu

Bài chi tiết: Tên hiệu

Tên hiệu là tên vốn đặt ra để gọi nhà ở, chỗ ở, nơi đọc sách viết văn và đôi khi để thể hiện tâm chí cá nhân. Tên hiệu thường dùng một trong các từ "trai" (nhà sách); "hiên" (mái nhà); "am" (nhà nhỏ); "đường" (nhà lớn).

Ví dụ một số nhân vật có tên hiệu như: Nguyễn Trãi hiệu Ức Trai; Nguyễn Công Trứ hiệu Ngộ Trai; Cao Bá Quát hiệu Cúc Đường.

Người ta còn thêm các từ như "thị", "tử" và "lang" kèm theo tên hiệu như Phan Quốc Quang là Thượng Tân Thị, Ưng Bình là Thúc Dạ Thi.

Biệt hiệu

Bài chi tiết: Biệt hiệu

Biệt hiệu là tên hiệu nói lên một đặc điểm riêng nào đó của một người, chỉ một số ít nho sĩ đặt biệt hiệu sau khi đặt tên tự và tên hiệu, nho sĩ thường hay dùng địa danh để làm biệt hiệu. Nguyễn Thiếp biệt hiệu La Sơn Phu tử (ông thầy ở huyện La Sơn); Nguyễn Du biệt hiệu Hồng Sơn Liệp hộ (người thợ săn ở núi Hồng Lĩnh); Phạm Quý Thích biệt hiệu Thảo Đường cư sĩ (cư sĩ ẩn mình trong nhà cỏ).

Tên tặng

Tên tặng là tên do vua hoặc người đứng đầu quốc gia ban tặng cho người có tài đức khi còn sống. Mãn Giác thiền sư được Lý Nhân Tông và hoàng hậu yêu mến nên đặt cho tên Hoài Tín; tu sĩ Đồng Kim Cương được vua Trần Nhân Tông ban tặng tên hiệu Thiện Lai, sau đổi thành Pháp Loa; Trần Đại Nghĩa là tên do Hồ Chí Minh tặng cho Phạm Quang Lễ.

Tên thụy

Tên thụy của nho sĩ do những người còn sống đặt cho một người đã qua đời, đôi khi có người còn sống tự đặt cho mình và có hai loại: công thụy và tự thụy. Công thụy là do vua đặt và tư thụy là do con cháu, bà con, bạn bè, môn đệ đặt cho. Tên thụy thường nhằm để ca tụng tài đức của người quá cố nên còn được gọi là "tên tụng" hay "tụng hiệu", gần giống với "tôn hiệu" và để biểu thị sự tôn kính. Chu Văn An được vua Trần Nghệ Tông đặt cho thụy là Văn Trinh và được học trò tôn hiệu là Tuyết Giang Phu tử.

Danh hiệu của văn nghệ sĩ

Bút danh

Bài chi tiết: Bút danh

Bút danh hay bút hiệu là danh hiệu của những người cầm bút như: nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà nghiên cứu, nhạc sĩ, họa sĩ... để thay cho tên chính, hoặc đi kèm với tên chính để xác nhận tác quyền trên những tác phẩm văn chương, nghệ thuật..., đồng thời để biểu lộ một mục đích hay lý tưởng nào đó. Một số người lại dùng bút hiệu để che giấu tên thật, có thể che giấu hẳn và che giấu một phần.

Nhà văn Phạm Quỳnh có các bút hiệu khác nhau là Lương Ngọc, Hồng Nhân, Thượng Chi; lấy bút hiệu Lương Ngọc vì nguyên quán của ông ở làng Lương Ngọc, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Nhà thơ Nguyễn Trọng Trí lần lượt lấy các bút hiệu Minh Duệ Thị, Phong Trần, Lệ Thanh, Hàn Mạc Tử và sau cùng là Hàn Mặc Tử; riêng bút hiệu Lệ Thanh là do hai chữ đầu của sinh quán Lệ Mỹ và chánh quán Thanh Tân ghép lại.

Nghệ danh

Nghệ danh là danh hiệu của các diễn viên sân khấu, điện ảnh, ca sĩ, nhạc công, nghệ nhân,...

Nghệ danh trong cải lương thường lấy những chữ mộc mạc như: Sáu Lầu, Tám Chí, Chín Đình, Năm Phỉ, Phùng Há, Ba Vân, Sáu Hẩu, Tư Đàn Cò, Ngọc Giàu, Ngọc Nuôi, Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Minh Phụng, Thanh Kim Huệ, Thanh Thanh Hoa, Hùng Cường, Thành Được, Thanh Sang, Ngọc Hương,... Nguyên nhân sự mộc mạc này là vì ngành cải lương xuất phát từ đồng quê miền Nam và theo phong tục ở đây, dân chúng thường gọi một người nào đó bằng tên thứ tự trong gia đình và tên chính.

Xước danh hay hài danh

Xước danh hay hài danh là những bút danh mang tính hài hước của một số văn nghệ sĩ. Vương Hồng Sển lấy xước danh là "Anh Vương" (vua nước Anh); Giản Chi lấy xước danh "Bồng Tùng Lang" (đầu tóc bù xù); Lục Văn Phu có xước danh "Phù Thăng" (thằng phu).

Danh hiệu của một số tôn giáo

Tên khai sinh của các tu sĩ Phật giáo không được dùng trong việc xưng hô hàng ngày mà chỉ được dùng trong giấy tờ hành chính và được gọi là "tục danh". Tên khai sinh các tu sĩ Công giáo vẫn được sử dụng hàng ngày và thường được gọi là "tên dân sự".

Phật giáo

Ngoài tên chính, khi tu hành, Phật giáo Bắc Tông thường có danh hiệu: pháp danh, pháp tự, pháp hiệu và đạo hiệu. Nhưng những người theo Phật giáo Nam Tông thì pháp danh không quan trọng, cư sĩ và giáo sĩ cấp sa-di vẫn giữ nguyên tục danh. Pháp danh của các tu sĩ Phật giáo Nam Tôngtiếng Pāli, được phiên âm ra Hán-Việt nhưng giữ nghĩa trong tiếng Pāli.

  • Pháp danh: là danh hiệu do nhà sư đặt cho người xin quy y (tín đồ) hoặc một người xuất gia tu học (tu sĩ). Pháp danh thường đặt khi thọ giới nên còn gọi là giới danh. Một số nhà sư đặt ra các bài kệ để dùng đặt pháp danh cho các thế hệ đệ tử của mình.
  • Pháp tự: ngoài pháp danh, tu sĩ khi thọ giới sa-di thường được thầy đặt cho tên khác để sử dụng hàng ngày gọi là pháp tự. Pháp tự mang ý nghĩa là người đệ tử theo tôn chỉ và nối dòng pháp chính thống của thầy.
  • Pháp hiệu: khi đệ tử thọ giới Tỳ kheo hay đắc pháp thầy dựa theo đức hạnh hay trí tuệ của người ấy đạt được để ban cho pháp hiệu. Pháp hiệu cũng là tên thụy dùng để đặt cho những tu sĩ có công đức và phẩm hạnh khi viên tịch.
  • Đạo hiệu: phái Thiền Tông ngoài pháp danh còn có đạo hiệu để biểu thị một đức tính hay một sự giác ngộ mà người ấy chứng đắc, thường lấy tên tu viện hay ngôi chùa vị ấy đang hành đạo để đặt tên nhằm tỏ lòng tôn trọng với những vị có đạo đức khả kính.[22]

Công giáo

Những người Công giáo Việt Nam có một tên thánh được đặt khi nhận phép rửa tội. Tên thánh còn được gọi là tên bổn mạng (vì lấy theo thánh bổn mạng của người đó). Cha mẹ, người đỡ đầu và linh mục sở tại thường chọn các thánh thời Chúa Giêsu như Phêrô, Phaolô, Gioan, Maria, Anna... để làm tên thánh. Trong nội bộ tôn giáo, người Công giáo Việt Nam thường dùng tên thánh bổn mạng kèm với họ và tên dân sự trong các dịp như: lễ cưới, lễ cầu hồn và dùng tên thánh để xưng hô với các vị chức sắc như nữ tu, thầy dòng, linh mục, giám mục, hồng y (theo tục húy kỵ). Bên cạnh ngày sinh nhật, những người mộ đạo còn mừng thêm ngày lễ thánh bổn mạng của mình nữa.

Cao Đài giáo

Cao Đài giáo chia làm ba phái: Phật giáo, Lão giáoNho giáo (được gọi tắt là Phật, Tiên, Thánh):[23]

  • Phái Phật mang tên Thái chức sắc mặc đạo phục màu vàng gọi là Thái Thanh.
  • Phái Tiên mang tên Thượng, chức sắc mặc đạo phục màu xanh gọi là Thượng Thanh.
  • Phái Thánh mang tên Ngọc, chức sắc mặc đạo phục màu đỏ gọi là Ngọc Thanh

Tên vị chức sắc Cao Đài Giáo sẽ có dạng: Tên phái + thế danh + tịch đạo.

Tên của người dân thường

Tên tục

Tên tục là tên do cha mẹ đặt lúc mới sinh, chỉ gọi lúc còn bé, thường dùng từ Nôm và thường xấu xí. Sở dĩ gọi là tên tục vì dùng các từ có ý nghĩa tục tằn như bộ phận sinh dục (Hĩm, Thẹp, Bùi,...), hay là tên loài vật (Cu, Cò, Cún,...), hay các từ có nghĩa xấu (Đẹt, Còm, Đực,...),hay tên nước ngoài (Fuji, Kun, Jane,...). Việc đặt tên tục là có thể do một trong những nguyên nhân:

  • Tránh phạm húy những người có vai vế ở địa phương.
  • Do hiếm muộn hoặc khó nuôi nên đặt tên xấu để tránh sự "bắt đi của thần thánh hay ma quỷ." [24]
  • Một số người tỏ trìu mến, gọi như thế mới thân mật,...

Tại nhiều vùng ở Thanh Hóa, người ta gọi vợ chồng nào đó là anh cò, chị cò nếu họ sinh con trai đầu lòng và gọi là anh hĩm, chị hĩm nếu họ sinh con gái đầu lòng.[25]

Tên tộc

Ở một số địa phương[26] tên tộc là tên gần nghĩa với tên tục. Tên tộc là tên chính của người cha hoặc mẹ, ví dụ ông A đẻ con trai B, người ta gọi B là "thằng cu A" với nghĩa "thằng con trai ông A", nhưng khi B lớn lên thì người ta không dám gọi tên đó nữa vì sợ xúc phạm mà gọi A là "cụ B" với nghĩa "cụ là cha của B".

Nhũ danh

Nhũ nghĩa là sữa. Gọi là nhũ danh vì tên này là tên lúc còn trẻ, còn có sữa cho con bú bất kể phái tính. Tuy nhiên theo cách dùng của người Việt ngày nay thì nhũ danh là họ tên thật của người vợ bên cạnh cách gọi theo họ tên chồng. Ví dụ: Bà Ngô Bá Thành, nhũ danh Phạm Thị Thanh Vân. Tục lệ này sai với ý nghĩa nguyên thủy của nhũ danh.[24]

Tên khai sinh

Tên khai sinh là tên họ được ghi trong giấy khai sinh và trong sổ bộ nhà nước. Tên này được xem là tên chính, tên thật, được đặt từ nhỏ nhưng đôi khi cũng là họ tên mới sửa khi đã lớn.

Tên thường dùng

Tên thường dùng là tên chính nhưng cũng có thể là một tên khác mà mọi người trong gia đình và xã hội gọi hàng ngày.

Tên cúng cơm

Tên cúng cơm, hay tên hèm, là tên vốn có (tên chính), phân biệt với các tên đã đặt thêm khi còn sống để khấn khi cúng giỗ.

Các tên bí mật

Bí danh, bí số, mật danh, nguỵ danh khi được mọi người biết đến thì không còn là tên theo đúng nghĩa của nó.

Bí danh, bí số

Bí danh là tên dùng thay cho tên thật để giữ bí mật được các nhà hoạt động cách mạng hay đảng viên các đảng phái chính trị thường dùng: Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh); Sáu Dân (Võ Văn Kiệt), Vũ Long (Đặng Thanh).

Bí số là những số bí mật để thay thế họ tên mà những nhà tình báo thường được đặt. Bí số thường đi kèm chữ cái ở trước như: X.30, Z 007.

Mật danh

Mật danh là danh xưng để giữ bí mật họ tên thật của một người trong một khoảng thoài gian nào đó và do chính người mang tự đặt để ghi trên tác phẩm tránh sự theo dõi, bắt bớ của nhà cầm quyền: Anh Thọ là mật danh của Văn Cao khi ông viết bản Tiến quân ca; A. Pazzi là mật danh của Vũ Hạnh khi ông viết cuốn Người Việt cao quý.

Ngụy danh

Ngụy danh là tên giả. Có thể do tội phạm đặt ra, khác với họ tên thật để trốn tránh luật pháp. Đôi khi những bút danh cũng có thể xem là ngụy danh khi văn nghệ sĩ cố tình không muốn cho người đọc biết tác phẩm của mình vì nhiều lý do khác nhau.

Biệt hiệu

Biệt danh, hay biệt hiệu, là tên thường do một hoặc nhiều người khác đặt cho, được nhiều người gọi theo hoặc công nhận. Biệt danh thường được gắn liền với một khả năng, tính cách, phong thái, hành động gây ấn tượng, mang tính so sánh của một người nào đó. Biệt danh đặt thêm vào tên chính hoặc thay thế cho tên chính của một người để bày tỏ sự ngưỡng mộ, hoặc chế diễu đùa cợt hay để phân biệt những cá nhân trong cộng đồng.

  • Biệt hiệu tỏ lòng ngưỡng mộ: Trạng nguyên Nguyễn Giản Thanh quê ở làng Ông Mặc, tục gọi làng Me, nên dân chúng gọi ông là Trạng Me; Nguyễn Khuyến đỗ đầu ba kỳ thi Hương, Hội, Ðình và sinh quán ở làng Yên Đổ nên dân chúng gọi ông bằng biệt hiệu Tam Nguyên Yên Đổ.
  • Biệt hiệu đùa cợt thường khai thác khía cạnh khiếm khuyết nơi cơ thể: Tiến Gầy, Chương Còm, Tấn Mập, Hoa Rỗ, Ba Sứt Môi, Tư Trọc, Lũng Ðầu Bò, Dũng Què,...

Tên rừng

Tên rừng là tên gọi đặc biệt chỉ dành riêng cho huynh trưởng và tráng sinh của Hướng đạo Việt Nam sau khi đã tham gia vào một trò chơi đặt tên rừng và được Hội đồng Rừng duyệt xét để chọn tên rừng cho cá nhân đó. Tên rừng luôn bao gồm tên một con vật sống trong rừng và đi kèm theo sau bởi tính từ chỉ đặc tính cá nhân của Hướng đạo sinh hay huynh trưởng đó như: Hổ Sứt (Hoàng Đạo Thúy), Sếu Siêng năng (Trần Văn Khắc), Bò Lém, Sói Trầm lặng, Sói Cười, Ngựa Chịu khó, Voi Hoạt bát, Sơn ca Phiêu lưu, Lạc Đà Đa Sự, Ó Điềm Đạm...

Hỗn danh

Bài chi tiết: Nickname

Thời gian gần đây, người Việt dùng Internet nên cần có những cái tên hiệu riêng (nick name) để liên lạc, trao đổi thông tin và kinh doanh. Có thể một người dùng hàng loạt các tên hiệu khác nhau. Các tên loại này gọi là hỗn danh.[cần dẫn nguồn]

Xưng hô tên của người Việt

Cách xưng hô cho tên của người Việt thay đổi theo các tầng lớp trong xã hội, ngoài ra thay đổi theo tuổi tác, giới tính... Ngày nay, người Việt dùng tên để xưng hô, gọi, giao tiếp và rất ít dùng họ (trừ những người đặc biệt có tầm ảnh hưởng rất lớn tới chính trị, kinh tế - xã hội Việt Nam như Hồ Chí Minh - "Bác Hồ").

Những năm gần đây, đặc biệt là trên truyền hình và phim ảnh, người Việt dùng tên đệm đi cùng tên chính để xưng hô. Ví dụ: Tôi là Vân Anh, rất hân hạnh được gặp lại quý vị và các bạn trong chương trình...

Đối với vua chúa

Đối với vua
  • Gọi bằng họ và miếu hiệu: Lý Thái Tổ, Lê Thánh Tông, Dương Đình Nghệ...
  • Gọi bằng niên hiệu: Gia Long, Tự Đức hoặc thêm từ "vua" vào trước trở thành: vua Gia Long, vua Tự Đức...
Đối với chúa
  • Gọi bằng tên tước và tên chính: Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, Định Vương Nguyễn Phúc Thuần...
  • Dùng từ "chúa" và tên thường gọi: Chúa Sãi, Chúa Hiền...
  • Gọi bằng tên chính thức: Nguyễn Hoàng, Trịnh Sâm...

Đối với nho sĩ, quan lại

Nho sĩ
Quan lại
  • Dùng chức vụ và tên chính: Nghị Quế, Hương Điểm, Xã Tài, Đề Thám...
  • Dùng phẩm hàm và tên chính: Thiên hộ Dương, Bá Nọn...
  • Chỉ gọi chức vụ: Binh, Cai, Đội, Lý (lý trưởng), Bạ (chưởng bạ), Tham (tham tá)...
  • Chỉ gọi phẩm hàm: Ôn Như Hầu, Thiếu (thái tử thiếu bảo), Hường (hồng lô tự khanh), Cửu (cửu phẩm), Bát (bát phẩm)...

Đối với lãnh tụ, trí thức

Đối với lãnh tụ
  • Dùng từ xưng hô và họ: Cụ Phan (Phan Bội Châu); Cụ Huỳnh (Huỳnh Thúc Kháng)..., trong một vài trường hợp, từ xưng hô lại trở thành danh từ riêng như từ "Bác": Bác Hồ; Bác Tôn...
  • Dùng họ và phẩm hàm: Trần Hưng Đạo
  • Dùng họ kết hợp chức vụ: Hồ Chủ tịch, Ngô Tổng thống (Ngô Đình Diệm)...
  • Cách phổ biến hơn là dùng danh từ chỉ chức vụ hoặc quân hàm và họ tên đầy đủ: Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp...
Đối với trí thức
  • Dùng học hàm, học vị và tên chính: Giáo sư Cẩn, Tiến sĩ Dương, Kỹ sư Hòa, Bác sĩ Long...
  • Dùng học hàm, học vị và họ tên: Phó giáo sư Nguyễn Nguyên Trứ, Giáo sư Tiến sĩ Trần Kim Thạch...
  • Có khi dùng họ và từ "quân" để gọi: Lê quân, Phạm quân... (cách gọi này ngày nay hiếm gặp).
  • Một số phụ nữ được gọi theo tên chồng: Bà Ngô Bá Thành, Bà Nguyễn Phước Đại...

Đối với văn nghệ sĩ

  • Dùng tự, hiệu hoặc bút danh và họ tên đầy đủ: Ưu Thiên Bùi Kỷ, Thuần Phong Ngô Văn Phát...
  • Đơn giản chỉ dùng bút danh, nghệ danh: Đông Hồ, Út Trà Ôn...
  • Dùng từ chỉ ngành nghề và bút danh, nghệ danh: Nhà thơ Tố Hữu, nghệ sĩ Kim Cương, ca sĩ Hồng Vân...
  • Dùng họ và tự, hiệu: Nguyễn Tố Như, Lê Thọ Xuân...
  • Dùng biệt hiệu, biệt danh, nghệ danh: Nickname: Bà Tưng, Ưng Hoàng Phúc, Nhất Thiên Bảo...

Đối với tu sĩ

Phật giáo
  • Dùng từ chỉ chức vụ và pháp tự, pháp hiệu: Ni sư Trí Hải, Đại đức Thích Tuệ Nghiêm, Thượng toạ Thích Tuệ Sĩ, Hòa thượng Thích Đức Nhuận...
Công giáo
  • Dùng từ chỉ chức vụ và họ tên thật: Linh mục Võ Thành Trinh, Hồng y Trịnh Văn Căn...
  • Dùng từ chỉ chức vụ, tên thánh và họ tên thật: Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình...
  • Đơn giản dùng từ chỉ chức vụ và tên chính: Cha Trinh, Giám mục Bình...
  • Đơn giản dùng từ chỉ chức vụ và tên thánh: Cha Phan-xi-cô,Cha Giu-se...
Cao Đài giáo
  • Dùng từ để chỉ chức vụ, Thánh danh: Đầu sư Thái Bộ Thanh, Đầu sư Thượng Sáng Thanh, Đầu sư Ngọc Nhượn Thanh, Nữ Đầu sư Hương Thanh, Nữ Đầu sư Hương Hiếu...
Tin lành
  • Dùng từ chỉ chức vụ và tên các vĩ nhân (Cựu Ước): Mục sư Isaac,Truyền Đạo Daniel,...
  • Dùng từ chỉ chức vụ và tên thật: Mục sư Phạm Đình Nhẫn
  • Đơn giản dùng từ chỉ chức vụ và tên: Mục sư Nhẫn

Xưng hô trong dân thường

Gọi theo họ tên
  • Dùng tên chính: Ngọc, Lan, Mai, Hoa... áp dụng khi người lớn tuổi gọi người nhỏ tuổi hơn (như cha mẹ gọi con, cô chú gọi cháu, thầy cô giáo gọi học sinh...) hoặc giữa những người có quan hệ gần gũi thân thiết với nhau.
  • Dùng tên chính sau một từ xưng hô: anh Hoa, chị Mai, cô Thắm, cụ Tâm (người có vai vế thấp gọi người có vai vế cao hơn hoặc người nhỏ tuổi gọi người lớn tuổi hơn buộc phải gọi theo hình thức này) hay thằng Minh, con Liễu... (người lớn tuổi gọi người nhỏ tuổi hơn).
  • Dùng tên chính và thêm những từ ni những nhân vật lịch sử: Phan Đình Phùng, Tống Duy Tân...
Gọi theo ngôi thứ
  • Dùng từ xưng hô và thứ bậc (trong gia đình của người mang tên): anh Cả, thằng Hai, chị Ba, con Bảy, dượng Mười... như Cả Đỏ (Nguyễn Lương Bằng), Bảy Cường (Phạm Hùng), Sáu Dân (Võ Văn Kiệt). Đặc biệt, người miền Nam (chỉ người miền Nam) gọi con trưởng là "Hai", gọi con thứ nhì là "Ba"...
  • Dùng thứ bậc và tên chính: Ba Khiết, Tư Hồng...
  • Dùng từ xưng hô, thứ bậc và tên chính: anh Tư Rô, bác Cả Hồng...
Gọi kèm tên vợ hoặc chồng
  • Út Tịch là tên của bà Nguyễn Thị Út, có chồng tên là Tịch.
  • Vợ chồng xưng hô: anh-em, mình-tôi, ông xã-bà xã, mẹ nó-bố nó...
Gọi theo tên chồng

Đối với một số vùng nông thôn ở miền Bắc, người ta thường gọi vợ một người nào đó theo tên của chồng. Chẳng hạn chồng là A vợ là B nhưng người ta gọi B là "bà A". Cách gọi này thông dụng đến nỗi có khi những ai con cháu của bà B cũng không biết được tên thật của bà B.

Tuy nhiên, phụ nữ Việt Nam khi kết hôn vẫn giữ và dùng tên họ riêng theo khai sinh mà không đổi theo tên họ nhà người chồng.

Gọi theo tên con
  • miền Nam Việt Nam người ta thường gọi gắn tên con đầu lòng theo kiểu: "danh từ xưng hô + từ chỉ thứ bậc + tên chính con đầu lòng": chị Hai Tùng, anh Ba Hiển...[cần dẫn nguồn]
  • Ở nhiều vùng thuộc tỉnh Thanh Hoá, những người đã lên chức ông bà (hoặc đã già) cũng được gọi gắn tên con đầu lòng nhưng không kèm từ chỉ thứ bậc. Ví dụ ông Dương, bà Dương là tên thường gọi của cha và mẹ anh Dương. Nhưng khi đã qua đời thì không được gọi theo tên con nữa mà gọi theo tên khai sinh, còn gọi là "tên cúng cơm".
  • Ở nông thôn miền Bắc Việt Nam cha, mẹ thường gọi nhau theo tên hoặc tên tục của con: bố thằng A, mẹ cái B, bố cái Đĩ, bu con Cún... Cách gọi này không áp dụng đối con cái hoặc với người ngoài gia đình.
Thuật ngữ công tác

Ở Việt Nam, thuật ngữ xưng hô gọi nhau bằng đồng chí cũng khá phổ biến do ảnh hưởng từ Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa, nhất là miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Người ta thường gọi nhau khi làm việc bằng từ Đồng chí + Tên gọi, ví dụ như: Đồng chí Nam, đồng chí An, đồng chí công an... mặc dù người được gọi là đồng chí không nhất thiết phải là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, và đôi lúc gọi nhau theo cách này chỉ để tạo không khí hoài cũ hoặc vui vẻ, nhẹ nhàng.

Xưng hô khuyết danh

Trong giao tiếp hằng ngày, nếu không cần thiết, người Việt thường xưng hô khuyết danh với nhau (chỉ gồm đại từ nhân xưng, không tên gọi). Trong nhiều ngôn ngữ khác, tiếng Anh chẳng hạn, đại từ nhân xưng không minh định vị trí và địa vị của từng cá nhân, nhưng áp dụng trong mọi trường hợp; nhưng Tiếng Việt là một trong những ngôn ngữ có lượng đại từ nhân xưng vô cùng nhiều, làm cho cách xưng hô này trở nên phức tạp. Tuy nhiên, điều này lại đóng góp tích cực vào việc duy trì đạo đức, trật tự của gia đình và xã hội, là đặc trưng riêng cho ngôn ngữ. Ví dụ: người mẹ nói chuyện với con gái mình thì tự xưng là u (cách dùng cũ ở một phần miền Bắc), mẹ (ở miền Bắc, Bắc Trung Bộ, một phần nhỏ Nam Trung Bộ), má (ở miền Nam), hay một từ tương tự nào đó và gọi con gái mình bằng con... Người nói và người nghe đều xác định được vị trí đích thực của mỉnh không thể lầm lẫn được. Ví dụ:

Trạng tháiNgôi thứ nhấtNgôi thứ haiNgôi thứ ba
Số ítSố nhiềuSố ítSố nhiềuSố ítSố nhiều
Trung hòatôichúng tôibạncác bạnngười đóhọ, những người đó
Có cảm tìnhcon, cháu, em...chúng con, chúng cháu, chúng em...mẹ, bà, anh...các chị, các anh...ông ấy, cô ấy, anh ấy...các anh ấy, các bác ấy...
Không cảm tìnhtaobọn tao, chúng tao...mày, mi...chúng bay, chúng mày, bọn mày, bọn mi...hắn, nó, y...bọn nó, bọn hắn, lũ...

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tên_người_Việt_Nam http://www.erct.com/4-ChiaSe/SuuTam/Tinh_danh-Ten_... http://www.nguoicham.com/blog/180/b%C3%A0n-v%E1%BB... http://www.orientalement.com/n-les-99-noms-d-allah... http://tiasang.viet4phuong.com/news?id=923 http://www.viettimesonline.com/news.aspx?newsid=63... http://chimviet.free.fr/vanhoc/chquynh/loixua1/loi... http://vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2004/03/3B9D0A... http://vnexpress.net/gl/ban-doc-viet/the-gioi/2010... http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=detai... http://www.baodatviet.vn/phap-luat/200908/dat-ten-...